Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) và Phó chủ tịch thứ nhất Migel Diaz-Canel (trái). Ảnh: Reuters. |
Hàng triệu cử tri Cuba hôm 26/11 bỏ phiếu bầu các ủy viên hội đồng địa phương, những người sẽ bầu ra quốc hội, cơ quan lựa chọn người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro vào tháng 2/2018.
Đây sẽ là lần đầu tiên trong gần 60 năm, vị trí Chủ tịch Cuba không thuộc về một thành viên gia đình Castro hay một lão thành cách mạng, đánh dấu cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo đầu tiên của đảo quốc này kể từ sau cuộc cách mạng năm 1959 do lãnh tụ Fidel Castro dẫn dắt.
Nhiều khả năng Phó chủ tịch thứ nhất Migel Diaz-Canel sẽ được lựa chọn để kế nhiệm nhà lãnh đạo 86 tuổi Raul Castro, khi con gái của ông là Mariela Castro tuyên bố hồi đầu năm rằng bà "không bao giờ muốn làm ứng viên cho vị trí Chủ tịch".
Nếu ông Diaz-Canel, 57 tuổi, trở thành Chủ tịch Cuba, đây sẽ là sự phá vỡ truyền thống "lão thành cách mạng" của nước này, bởi ông sinh ra sau cuộc cách mạng Cuba lật đổ chế độ của nhà độc tài Fulgencio Batista năm 1959, theo Miami Herald.
Theo Reuters, sự nghiệp chính trị của ông Diaz-Canel khởi đầu trên một chiếc xe đạp ở thành phố Santa Clara, nơi ông sinh ra trong một căn hộ gần quảng trường trung tâm. Vào thập niên 1990, nền kinh tế Cuba lâm vào khó khăn sau khi Liên Xô tan rã, người dân Cuba thường đi làm bằng xe đạp hoặc đi bộ, trong khi các lãnh đạo chính trị thường sử dụng xe hơi nhãn hiệu Lada sản xuất ở Liên Xô.
Là một bí thư tỉnh ủy nhưng Diaz-Canel vẫn quyết định chọn xe đạp làm phương tiện đi lại của mình thay vì xe hơi. "Mọi người sững sờ khi nhìn thấy bí thư đạp xe đi làm. Ông ấy không làm điều đó để nổi tiếng. Ông ấy làm vậy vì con người ông là như thế. Ông rất thẳng thắn", Jose Antonio Fulgueiras, chủ tịch hội nhà báo tỉnh Villa Clara, người theo dõi sát sao sự nghiệp chính trị của Diaz-Canel, cho biết.
Ngoài hình ảnh gần gũi với dân chúng, chiếc xe đạp còn giúp Diaz-Canel giữ được bí mật khi ông bất ngờ đến kiểm tra các doanh nghiệp quốc doanh. Cuộc chiến chống tham nhũng tại các doanh nghiệp này trở thành thương hiệu của ông. Với chiếc xe đạp như vậy, ông từ từ đi lên các bậc thang quyền lực.
Sau 9 năm công tác ở Villa Clara, Diaz-Canel chuyển tới làm bí thư tỉnh ủy tỉnh Holguin vào năm 2003, sau đó được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của đảng Cộng sản Cuba.
Thể hiện được khả năng lãnh đạo tốt ở Holguin, ông được chuyển về công tác ở thủ đô Havana vào năm 2009 để đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục Đại học. Đến năm 2013, ông được quốc hội Cuba bầu làm Phó chủ tịch thứ nhất, vị trí đứng thứ hai trong bậc thang quyền lực ở nước này.
Theo các quan sát viên, con đường thăng tiến của ông Diaz-Canel không hề nhanh chóng hay thuận lợi bất thường. Theo một chuyên gia về Cuba tại Trường Quan hệ Quốc tế và Công chúng, Đại học Columbia, Mỹ, Diaz-Canel vươn lên một cách thận trọng, tận dụng mối quan hệ tốt đẹp với các lãnh đạo trong giới tinh hoa, đồng thời tránh những cạm bẫy có thể khiến sự nghiệp chấm dứt nhanh chóng như nhiều ứng viên cho vị trí Chủ tịch khác.
Một số quan chức cấp cao khác như Phó chủ tịch thứ hai Carlos Lage hay Bộ trưởng Ngoại giao Felipe Perez Roque đã bị cách chức vào năm 2009 vì thể hiện những tham vọng quá lớn và bị cáo buộc có hành vi cấu kết với các điệp viên tình báo nước ngoài.
Ủng hộ Internet và truyền thông
Hình ảnh gần gũi của ông Diaz-Canel và vợ. Ảnh: Reuters. |
Dù luôn giữ phong cách điềm tĩnh khi làm việc, Diaz-Canel cũng có những khoảnh khắc quyết liệt, đặc biệt là khi đề cập tới vấn đề kiểm soát truyền thông và Internet. Ông thường kêu gọi truyền thông Cuba phải trở nên năng động và cởi mở hơn, đồng thời thể hiện sự chào đón với Internet, coi đây là công cụ hữu ích cho người dân hơn là mối đe dọa với chính phủ.
Theo một báo cáo năm 2016 của Liên Hợp Quốc, chỉ 5,6% hộ gia đình Cuba được tiếp cận với Internet vào năm 2015. Trước lo ngại rằng việc để người dân tiếp cận đầy đủ với Internet sẽ làm giảm hiệu quả của truyền thông nhà nước, Diaz-Canel khẳng định nỗ lực ngăn cản sự phổ biến của Internet chỉ là hạ sách.
"Ngăn cấm Internet chỉ là một ảo tưởng bất khả thi và không hề có ý nghĩa", ông tuyên bố với các phóng viên ngay sau khi nhậm chức Phó chủ tịch thứ nhất.
Chính phủ Cuba sau đó đã tăng cường tín hiệu Wi-Fi tại các điểm công cộng trên khắp cả nước. Hiện chưa rõ tiếng nói của ông Diaz-Canel có ảnh hưởng đến mức nào với quyết định này.
Để cạnh tranh với ảnh hưởng đến từ mạng xã hội, Diaz-Canel cho rằng truyền thông nhà nước Cuba cần phải thay đổi, không bưng bít thông tin, đăng tải các tin tức đa chiều, đồng thời yêu cầu đảng Cộng sản Cuba cần tiếp thu những lời phê bình mang tính xây dựng.
Ông cũng là người rất nhiệt huyết và mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản đối với đất nước Cuba. Trong các thông cáo gửi tới báo chí trong và ngoài nước, ông khẳng định cuộc bầu cử đang diễn ra sẽ phát đi một thông điệp đến thế giới. "Thông điệp đó là sự đoàn kết, lòng tin, là chúng ta sẽ không chịu cúi đầu, không chỉ trước siêu bão mà còn trước sức ép từ bên ngoài và ý đồ của một số người muốn nhìn thấy sự thay đổi chế độ ở chúng ta", Phó chủ tịch thứ nhất Cuba lên tiếng.
Thông điệp này của ông Diaz-Canel dường như chủ yếu nhắm đến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã thắt chặt các quy định về đi lại từ Mỹ đến Cuba và ngừng cấp thị thực cho công dân Cuba tại đại sứ quán ở Havana. Chính quyền ông Trump cũng đã nhiều lần đề cập đến sự thay đổi ở Cuba.
Ông Diaz-Canel từng nói với AP rằng ông lạc quan về thái độ của thanh niên Cuba với chế độ chính trị đã được lãnh tụ Fidel Castro thành lập từ năm 1959. "Khi chứng kiến nhiều thanh niên tập hợp để thể hiện lòng tôn kính với Fidel, tôi tin rằng thế hệ trẻ và nhân dân Cuba sẽ bảo vệ cuộc cách mạng trong cuộc bầu cử này", ông khẳng định.
Trí Dũng
TAG: